Sáng 17/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2011- 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng góp phần đẩy mạnh nhiệm vụ. Theo đánh giá chung của Ban chỉ đạo CCHC, giai đoạn 2011- 2015, công tác CCHC đã đạt một số hiệu quả nhất định như thể chế của nền hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao rõ rệt; bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng; công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có nhiều đổi mới; CCHC công đã đạt được kết quả tích cực góp phần tăng cường kỷ luật tài chính; từng bước hình thành “Chính phủ điện tử”, “Chính quyền điện tử”…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Báo cáo sơ kết công tác CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân trình bày cũng nêu một số tồn tại, hạn chế và phân tích những nguyên nhân trong quá trình chỉ đạo, thực hiện.
Trong đó, phương pháp tổ chức triển khai còn chưa có nhiều giải pháp tập trung, quyết liệt; một số mục tiêu còn xây dựng trên cơ sở định tính nên rất khó đánh giá đúng hiệu quả; nhiệm vụ đặt ra nhiều nhưng chưa thực sự gắn với các biện pháp và điều kiện đảm bảo cần thiết; việc tổ chức mô hình thí điểm còn có nơi chưa đồng bộ, thiếu tổng kết, rút kinh nghiệm; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính đối với CCHC tại một số cơ quan còn hạn chế;…
Trước yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện CCHC tại cơ quan nhà nước; gắn kết chặt chẽ trong CCHC với việc triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án trên cơ sở thực hiện các nội dung về giải pháp, kinh phí và trách nhiệm thực hiện; kế thừa và phát huy những kinh nghiệm trong CCHC thời gian qua, đồng thời chủ động nghiên cứu kinh nghiệm tiên tiến của các nước áp dụng vào thực tiễn Việt Nam;… nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2016- 2020 được đặt ra với 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể ở các nội dung cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cải cách hành chính công, hiện đại hóa hành chính và tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương đã nói đúng địa chỉ, đưa ra được những kiến nghị tốt.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận có sự chuyển biến tích cực về CCHC giai đoạn 2011- 2015. Những kết quả tích cực này đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường đầu tư tiến bộ. Trong đó, một số ngành có tiến bộ rõ nét như thuế, hải quan, đầu tư,…
Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại trong CCHC như: bố máy cồng kềnh, thể chế phức tạp, một bộ phận cá bộ còn nhũng nhiễu, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn, bộ máy đông nhưng chưa mạnh... Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước đòi hỏi tốc độ CCHC nhanh hơn, mạnh hơn.
“Mọi cấp, ngành, cơ quan đều phải làm CCHC, nếu ko làm sẽ thui chột, lạc hậu, xã hội không phát triển. Mục tiêu tiếp theo là phải cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, tạo môi trường đầu tư, xóa bỏ mọi rảo cản” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp CCHC trong giai đoạn 2016 - 2020, nhất là về cán bộ thực hiện. Theo đó, phải đào tạo được đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ, có đạo đức để phục vụ nhân dân, nhiệm vụ thi tuyển công chức để lựa chọn được bộ máy hành chính có đủ trình độ rất quan trọng nên phải được đầu tư , thực hiện giảm tải bộ máy hành chính,..
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung CCHC theo kế hoạch, triển khai các văn bản được giao, tiếp tục ban hành nghị định để tháo gỡ các điểm nghẽn; tiếp tục CCHC công, vì lợi ích chung, mọi khoản nhà nước cấp phải công khai, minh bạch; bộ máy hành chính các cấp toàn tâm, toàn ý về lợi ích chung của đất nước, không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; gương mẫu chấp hành tiết kiệm chống lãng phí, tránh hình thức…
Xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Hà Tĩnh, những năm qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương, công tác CCHC của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Hà Tĩnh trong thời gian qua đạt được kết quả tương đối cao. Đặc biệt, chỉ số PAR INDEX năm 2015 xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố.
Công tác cải cách thể chế, xây dựng văn bản là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nên thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp. Nhờ đó, công tác thẩm định, kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát hệ thống quy phạm pháp luật đã tạo được nhiều chuyển biến rõ nét về xây dựng văn bản, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu khả thi.
Riêng năm 2015, toàn tỉnh có 1.232 thủ tục hành chính được đưa vào kế hoạch đơn giản hóa, trong đó có 643 thủ tục được đơn giản hóa về thành phần hồ sơ ở cả 3 cấp, thực hiện giảm ½ thời gian giải quyết các TTHC trên địa bàn.