Sáng 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đồng chủ trì triển khai thí điểm hệ thống phòng họp không giấy tờ (E-cabinet).
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dự họp Phòng họp không giấy tờ (E-cabinet) đã được Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai tại 55 tỉnh, thành phố nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Phòng họp không giấy tờ (E-Cabinet) sẽ đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND tỉnh. Với E-Cabinet, các cuộc họp của UBND tỉnh sắp tới đây sẽ là các cuộc họp không giấy tờ. Đại diện VNPT giới thiệu về hệ thống phòng họp không giấy tờ Theo đó, trước mỗi phiên họp, nội dung chương trình và các tài liệu số của cuộc họp được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và tức thời chuyển đến các đại biểu để nghiên cứu trước. Các câu hỏi, ý kiến của đại biểu sẽ được tổng hợp để thảo luận trong cuộc họp..., qua đó góp phần nâng cao chất lượng thảo luận và rút ngắn thời gian cuộc họp. Ngoài ra, hệ thống còn có tính năng đăng ký phát biểu. Từ danh sách đăng ký phát biểu của các đại biểu được lưu lại qua các cuộc họp, người chủ trì có thể biết được những người không bao giờ phát biểu. Cán bộ kỹ thuật VNPT hướng dẫn đại biểu sử dụng hệ thống Phòng họp không giấy tờ Với tính năng lấy ý kiến và biểu quyết, trong phiên họp, lãnh đạo và các thành viên sẽ trao đổi, tương tác nội dung, thực hiện biểu quyết (nếu cuộc họp có yêu cầu biểu quyết). Kết thúc cuộc họp, bộ phận tổng hợp phụ trách sẽ cập nhật kết luận cuộc họp. Phòng họp không giấy tờ (E-cabinet), mang lại nhiều lợi ích như: Tiết kiệm chi phí, thời gian; quản lý công việc hiệu quả, cập nhật thông tin kịp thời, báo cáo đầy đủ chính xác. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định: Việc triển khai phòng họp không giấy tờ đã, đang được Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đây cũng là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện hệ thống E-cabinet; tuyên truyền rộng rãi và hoàn thiện hệ thống để đưa vào áp dụng chính thức trong thời gian sớm nhất.