Thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm tiếp tục được ngành LĐ-TB&XH cùng các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tỉnh quan tâm thực hiện
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 góp phần giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo một cách có trọng tâm, trọng điểm, cấp bách, có đối tượng rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo. Nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng. Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững. Theo đó, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững, góp phần giải quyết các vấn đề khác như: Thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...
Một trong những chuẩn nghèo đa chiều mới là chiều thiếu hụt về việc làm. Đây là tiêu chí đầu tiên trong các chiều về dịch vụ xã hội cơ bản, vì khi một hộ gia đình có ít nhất một người có việc làm bền vững, thu nhập tốt thì cơ hội thoát nghèo cũng cao hơn rất nhiều. Do đó, giáo dục nghề nghiệp chính là một trong những yếu tố then chốt, có tính chất quyết định thành công trong giảm nghèo bền vững. Vì vậy, mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp cho vùng nghèo, vùng khó khăn được xác định cả về quy mô và chất lượng đào tạo, nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các địa phương, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước đây, với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chủ yếu chỉ hướng đến đào tạo cho họ kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Còn chương trình lần này sẽ hỗ trợ đào tạo trình độ nghề bậc trung cấp, cao đẳng để lao động có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn.
Thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn với nội dung: Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Dự kiến đến năm 2023, bình quân mỗi năm, mỗi huyện tổ chức được 01 - 02 lớp. Tổng kinh phí giải ngân giai đoạn 2021 – 2023 dự kiến là 18.314 triệu đồng (ngân sách trung ương: 16.649 triệu đồng, ngân sách địa phương: 1.665 triệu đồng).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung thực hiện Tiểu dự án 2: Hỗ trợ việc làm bền vững, với kinh phí dự kiến giải ngân giai đoạn 2021 – 2023 là 15.104 triệu đồng (ngân sách trung ương: 14.158 triệu đồng, ngân sách địa phương: 946 triệu đồng). Tỉnh tập trung hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu; hỗ trợ giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm. Theo đó, ngày 03/4/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản về việc triển khai Dự án Sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hà Tĩnh, trong đó giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm Chủ đầu tư, tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Sàn giao dịch việc làm tại Thành phố Hà Tĩnh thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; quy mô đầu tư xây dựng Sàn giao dịch việc làm và Khu hành chính 4 tầng và các hạng mục phụ trợ theo quy hoạch được duyệt. Tổng mức đầu tư (dự kiến) là 31,812 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 12,007 tỷ đồng; Ngân sách tỉnh (nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2022) là 19,805 tỷ đồng. Đến nay, đang hoàn tất hồ sơ để triển khai Dự án Sàn giao dịch việc làm tại thành phố Hà Tĩnh.
Tại huyện Kỳ Anh, thực hiện Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo, huyện được phân bổ kinh phí 461 triệu đồng để thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn (trong đó ngân sách trung ương 419 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 29 triệu đồng, ngân sách huyện là 13 triệu đồng). Hiện nay, huyện đã triển khai rà soát đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo để mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Còn đối với Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững, kinh phí thực hiện là 265 triệu đồng (trong đó ngân sách trung ương 241 triệu đồng, ngân sách tỉnh 17 triệu đồng, ngân sách huyện 7 triệu đồng). Đến nay, huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, tỉnh Hà Tĩnh cũng gặp một số khó khăn như: Hiện nay chưa có quy định khái niệm: “người lao động có thu nhập thấp”; “vùng nghèo, vùng khó khăn”, do đó chưa thể xác định đối tượng để mở các lớp đào tạo nghề hoặc để xác định đối tượng hỗ trợ. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có hơn 60% hộ nghèo không có khả năng lao động, hơn 30% hộ cận nghèo không có khả năng lao động. Do vậy, số lượng đối tượng để đào tạo nghề thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo ở Hà Tĩnh khá hạn chế. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cùng các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, việc làm bền vững giúp người dân có nghề nghiệp với thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế, góp phần giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh./.