Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT⁄TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và trước yêu cầu của thực tiễn, ngày 16⁄8⁄2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT⁄TW về Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chỉ thị lần này mang nhiều nội dung mới có tính chiến lược, tính thực tiễn sâu sắc, xử lý nhiều vấn đề cấp bách, tạo các điều kiện mới cho công tác phòng chống ma túy nói chung và cai nghiện nói riêng.
Quan điểm chiến lược, sửa đổi đồng bộ pháp luật, chính sách đầu tư mới Có thể khẳng định, khi hiện thực hóa các giải pháp triển khai thi hành Chỉ thị của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện cho công tác cai nghiện bước sang giai đoạn mới hiệu quả, vững chắc. "Ðầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước" - đây là quan điểm hết sức quan trọng và hoàn toàn mới, có ý nghĩa lớn lao đưa nhiệm vụ công tác phòng chống ma túy lên một tầm cao mới mà các cấp, các ngành và toàn dân cần quán triệt sâu sắc. Đầu tư phát triển đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế tại mỗi quốc gia. Hoạt động đầu tư này nhằm duy trì và tạo ra năng lực mới trong sản xuất kinh doanh dịch vụ và sinh hoạt đời sống của xã hội. Đây là hình thức đầu tư trực tiếp tạo ra tài sản mới cho nền kinh tế, đơn vị sản xuất và cung ứng dịch vụ. Lâu nay, đầu tư phát triển thường thấy là về sản xuất kinh doanh, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng… Đầu tư phát triển có đặc điểm: quy mô tiền vốn, vật tư, lao động cần thiết cho hoạt động thường rất lớn, thời kì đầu tư kéo dài. Trong suốt quá trình vận hành, các thành quả đầu tư chịu sự tác động của cả 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực, các yếu tố tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội, đầu tư phát triển có độ rủi ro cao do quy mô vốn đầu tư lớn, thời kì đầu tư kéo dài và thời gian vận hành các kết quả đầu tư cũng kéo dài… Từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hành động nằm trong chương trình phòng chống tội phạm đến chương trình đầu tư phát triển chứng tỏ tầm quan trọng của phòng chống ma túy với sự phát triển bền vững đất nước. Không gì nguy hiểm bằng việc ma túy làm mọi gia đình bất an, làm tha hóa thế hệ trẻ. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc Hội: mỗi bánh ma túy thẩm lậu vào Việt Nam, khoảng 10 gia đình có người vi phạm pháp luật từ vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy thì hàng nghìn, hàng vạn bánh heroin hàng năm sẽ làm bao nhiêu gia đình vi phạm pháp luật, tan vỡ chưa kể hàng triệu viên ma túy tổng hợp thâm nhập vào nước ta mỗi năm. Tội phạm liên quan đến ma túy hết sức nguy hiểm, trên 50 - 60% tội phạm trong các trại giam là có liên quan đến ma túy. Do đó, đầu tư phát triển là cần thiết cho nhiệm vụ chính trị phòng chống ma túy cấp bách và lâu dài. Từ nhận thức mới của các cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, diện mạo mới của nhiệm vụ phòng chống ma túy phải biến thành các chương trình, giải pháp cụ thể và quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác này. Đó là "Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố lực lượng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy", "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác phòng, chống ma túy". Đầu tư phát triển sẽ chấm dứt tình trạng "ngân sách còn nhiều khó khăn", bố trí nguồn lực hạn hẹp, kinh phí phòng chống ma túy, mại dâm nằm trong "một cục" trong nguồn kinh phí đảm bảo xã hội ở cấp xã. Xét cho cùng, bố trí nguồn lực không tương xứng, không đạt mục tiêu của chương trình là sự lãng phí quá lớn. Đầu tư cho công tác cai nghiện phục hồi phải trong một tầm nhìn tổng thể và dài hạn. Ưu tiên nguồn lực, có chiến lược đầu tư với các trọng tâm là: phát triển nhân lực chất lượng cao, ổn định; phát triển hệ thống dự phòng nhiều lớp; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhiều tầng. Phân bổ đầu tư phải dựa trên bằng chứng về hiệu quả toàn diện. Thực hiện công khai, minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, để cùng Nhà nước cung cấp ngày càng tốt hơn các dịch vụ dự phòng, giảm hại, phục hồi và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng; mọi hỗ trợ từ ngân sách phải đến trực tiếp đối tượng thụ hưởng. Cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư sẽ tạo các điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác cai nghiện. Với đầu tư phát triển, các cơ sở cai nghiện sẽ được đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho nhiệm vụ khó khăn phục hồi người nghiện. Cán bộ làm công tác cai nghiện sẽ được sắp xếp, tuyển dụng, huấn luyện có chất lượng chuyên môn cao hơn. Chủ tịch UBND cấp xã không còn lâm vào tình thế bất lực "tay không bắt giặc" vì phải đảm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ: cai nghiện tại cộng đồng, gia đình, quản lý sau cai, giải quyết các vấn đề xã hội hòa nhập cộng đồng cho người nghiện… nhưng "đói" nguồn lực để thực hiện. "Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy… , tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong công tác lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung". Những khó khăn, ách tắc lớn, làm đau đầu biết bao cán bộ và nhân dân trong 5-7 năm qua liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực cai nghiện (đối tượng, trình tự, thủ tục đưa vào cai nghiện bắt buộc, cai cho đối tượng dưới 18 tuổi, quản lý sau cai, xác định tình trạng nghiện…) sẽ được tháo gỡ. Với việc sửa đổi, bổ sung theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn sẽ "mở toang cánh cửa" thuận lợi cho việc thực hiện pháp luật về cai nghiện.
Khám, phân loại sức khỏe cho học viên tại CSCNMT Ninh BìnhĐổi mới, tăng cường công tác chuyên môn Chưa bao giờ công tác cai nghiện được quan tâm chỉ đạo như lần này. Chỉ thị yêu cầu: "Tổng kết, đánh giá toàn diện công tác cai nghiện ma túy để có sự điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả, chú trọng xã hội hóa công tác cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai". So với lĩnh vực giảm cung, giảm hại thì cai nghiện gặp khó khăn, "chuân chuyên" và có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhất. Việc đánh giá "toàn diện" không những chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cai nghiện "còn nhiều bất cập và hiệu quả thấp" để ra sức khắc phục mà còn phải tìm ra những những hình thức, mô hình cai nghiện tốt để tập trung nguồn lực. Có thể thấy, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đáng ghi nhận, một thời gian dài, công tác cai nghiện cũng bộc lộ những lỗ hổng lớn về nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Phải chăng nó thể hiện ở nhiều phương diện: nhận thức về bản chất, hiệu quả cai nghiện thiếu thống nhất, chậm đổi mới dẫn đến công tác chỉ đạo, bố trí nguồn lực bất cập; các giải pháp triển khai thiếu đồng bộ; hoạt động chuyên môn ở nhiều nơi không được coi trọng; công tác quản lý sau cai nặng về "quản lý" hành chính, thiếu các biện pháp tâm lý, xã hội; nhiều nhiệm vụ quan trọng chậm được triển khai; bên cạnh việc duy trì quá lâu các biện pháp cai nghiện kém hiệu quả, bố trí nguồn lực dàn trải thì nhiều mô hình tốt chậm được tổng kết, đầu tư nhân rộng; cơ chế chính sách xã hội hóa cai nghiện thiếu cụ thể không động viên các thành phần xã hội tham gia… Việc đánh giá tổng kết lần này, chắc chắn được tổ chức trên tinh thần đổi mới tư duy, khách quan, khoa học để có kết quả sâu sắc để khắc phục những vấn đề trên và tiếp tục đổi mới toàn diện công tác cai nghiện (không phải là các báo cáo "tròn trịa" thiên về kể thành tích, nêu khó khăn khách quan là chính!). "Coi trọng công tác cai nghiện tập trung và quản lý người nghiện ngoài xã hội không để gây ra các vụ phạm tội". Thực tế, cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng hiệu quả rất thấp. Nguyên nhân chính là trong quá trình cai không cách ly được người cai nghiện với môi trường ma túy, thiếu nguồn lực, cán bộ để thực hiện quy trình cai nghiện. Hầu hết người cai nghiện đều tái sử dụng ma túy ngay sau khi được cai cai cắt cơn. Điều này, vừa lãng phí tiền của, sức lực vừa làm mất lòng tin của xã hội. Do vậy, cần coi trọng mô hình cai nghiện tập trung dù ở cộng đồng, cơ sở công lập hay dân lập, dù tự nguyện hay bắt buộc, dù thời gian dài, ngắn khác nhau. Coi trọng mô hình tập trung không có nghĩa là xây dựng thêm rất nhiều cơ sở cai nghiện mới mà vấn đề là thay đổi phương thức hoạt động, tận dụng hết công năng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng, rút ngắn khung thời gian điều trị, có cơ chế thực sự "cởi trói" cho việc phát triển các cơ sở dân lập… Coi trọng cai nghiện tập trung cũng không có nghĩa là bỏ qua các mô hình cai nghiện khác có hiệu quả phù hợp. Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách Điểm tư vấn, hỗ trợ cai nghiện cộng đồng theo đề án đổi mới công tác cai nghiện. Trong nhiều hoạt động đa dạng phòng ngừa, tư vấn điều trị của Điểm tư vấn có nội dung giới thiệu, chuyển gửi người nghiện vào các cơ sở cai nghiện, đã giúp nhiều người được cai nghiện tập trung theo hình thức tự nguyện. Đầu tư phát triển cũng rất cần xây dựng cơ chế, cụ thể hóa chính sách xã hội hóa: mở rộng không gian và quyền để các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quyết sách liên quan và cung cấp các dịch vụ can thiệp dự phòng, can thiệp phục hồi và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng bền vững. Tạo cơ chế, chính sách cụ thể, minh bạch để động viên mọi nguồn lực xã hội, nhưng nhà nước phải chịu trách nhiệm về những phân khúc quan trọng, đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất; nhà nước phải quản lý chất lượng dịch vụ. Xây dựng cơ chế cung cấp dịch vụ để mọi đối tượng đều có thể tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi, sẵn có, với chi phí thấp nhất. Mặt khác, cần khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình dự phòng nghiện, Tòa án ma túy để việc phân loại nhanh chóng, chính xác, khoa học: những người mới sử dụng ma túy, người lạm dụng ma túy (chưa đến mức nghiện) có thể tư vấn, giáo dục tại cộng đồng, chỉ những người đã phụ thuộc ma túy mới đưa vào chương trình cai nghiện tập trung. Cũng rất cần một chương trình quản lý người nghiện, phân rõ hoạt động và trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, sử dụng mọi biện pháp để phát hiện, quản lý, hỗ trợ người nghiện. Đồng thời "có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy" để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tràn lan trong quán bar, vũ trường, nhà hàng hoặc nhằm tưởng có gì mình cũng chỉ là "người bệnh" được nương tay khi bị phát hiện. "Nâng cao hiệu quả cai nghiện", đồng thời với việc nâng cao hiệu quả "quản lý sau cai". Khẳng định quản lý sau cai là cần thiết (trước đó, một số ý kiến đề nghị xem xét bỏ nội dung quản lý sau cai). Quản lý sau cai là thực hiện tổng hợp các biện pháp giúp họ phòng chống tái nghiện, phục hồi toàn diện, hỗ trợ sinh kế để họ trở lai cuộc sống lao động bình thường. Không phải Việt Nam, các nước đều có chương trình này. Quản lý sau cai cần đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức, đi sâu vào các hoạt động tâm lý, xã hội. Cuối cùng, Chỉ thị vẫn dùng từ "cai nghiện" dù gần đây một số ý kiến đề nghị thay từ "cai nghiện" bằng "điều trị nghiện" với nhiều lý do. "Cai nghiện" là hoàn toàn chính xác, đúng với bản chất của hoạt động này. Bản thân "cai nghiện" đã bao gồm "điều trị" (các biện pháp y tế, tâm lý) nhưng hơn thế nữa, cai nghiện còn bao gồm 1 loạt các biện pháp xã hội hết sức cần thiết mà không thể gượng ép dùng từ "điều trị" (dạy nghề, truyền nghề, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vốn, các hoạt động Câu lạc bộ, văn hóa, thể thao…). "Cai nghiện" còn để không nhầm lẫn với "điều trị" giảm tác hại như điều trị thay thế bằng Methadone. Tóm lại, Chỉ thị của Bộ Chính trị lần này là kim chỉ nam, là vận hội, cơ hội để nâng cao hiệu quả cai nghiện và quản lý sau cai đáp ứng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và mong mỏi của nhân dân. Rất nhiều công việc nặng nề phải thực hiện để biến tinh thần Chỉ thị thành thực tiễn sinh động, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Trách nhiệm chính là của cơ quan Thường trực phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của cơ quan tham mưu phụ trách công tác cai nghiện là hết sức quan trọng trong mọi công việc từ trình Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội, UBND các cấp sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, giải pháp tổ chức thực hiện đến nghiên cứu lý luận, khoa học, đánh giá, giám sát kết quả, tổng kết thực tiễn... Đầu tự phát triển đòi hỏi sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong việc tăng cường bố trí cán bộ tâm huyết, có chuyên môn nghiệp cao, có kinh nghiệm, có tinh thần kiên quyết đổi mới cho cơ quan chuyên trách, đồng thời, mỗi cán bộ phải tự xác định trách nhiệm, dày công nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ./.