Ngày 26/6/2020, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Văn phòng Liên Hiệp Quốc về phòng, chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức Hội thảo tham vấn Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người (sau đây gọi là Nghị định số 09/2013/NĐ-CP).Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà, Trưởng ban soạn thảo chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập; đại biểu đại diện các ngành LĐ-TBXH, Công an, Bộ đội Biên phòng, đại diện các cơ quan Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án của 9 tỉnh, thành phố: Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, qua gần 10 năm thực hiện Luật phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng người dân, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân trở về nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: (1) Hệ thống pháp luật, chính sách, dịch vụ về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng được ban hành có hệ thống và tương đối đồng bộ về cả quan điểm, chủ trương, biện pháp, phân công trách nhiệm, cơ chế điều phối; (2) Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và đầu tư nguồn lực đã được các Bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm, thực hiện và huy động được sự tham gia, phối hợp cùng với các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế; (3) Các mô hình can thiệp hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng bước đầu triển khai đã đạt được kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về các mô hình.
Quang cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, đã nảy sinh những vấn đề như: nạn nhân bị mua bán trở về thường có tâm lý mặc cảm, hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng. Nhiều trường hợp nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về hầu hết không giấy tờ tùy thân, nạn nhân không tư trang, hành lý hoặc không khai báo, hợp tác với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác xác minh, xác nhận nạn nhân, tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề. Bên cạnh đó, tại các tuyến biên giới, tuyến biển, nạn nhân được cơ quan nước ngoài trao trả thường không thông báo cụ thể thời gian trao trả nạn nhân nên các cơ quan chức năng (Bộ đội Biên phòng, Công an) gặp nhiều khó khăn khi xây dựng kế hoạch phối hợp tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân hoặc khi các nước trao trả hàng loạt trong khi điều kiện về cơ sở vật chất tại các đồn biên phòng, công an cửa khẩu, cấp huyện, cấp xã còn thiếu, hạn chế không đảm bảo công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân; bất cập trong thẩm quyền quyết định hỗ trợ nạn nhân. Để khắc phục hạn chế trên, Bộ LĐ-TBXH tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống mua bán người. Tại hội thảo này, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận và góp ý hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, trong đó, tập trung vào những vấn đề như thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân, chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về, trình tự thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân nhằm tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong việc triển khai, thực hiện. Những điểm mới của Dự thảo Nghị định thay thế Về cơ sở hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định không quy định chương riêng về cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà dẫn chiếu việc thành lập, hoạt động theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội trình bày những điểm mới của Dự thảo Nghị định
Về thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, dự thảo Nghị định quy định: khuyến khích các tổ chức, các cá nhân tham gia vào quá trình hỗ trợ nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ nạn nhân theo quy định của Chính phủ về trợ giúp xã hội và một số quy định hỗ trợ đặc thù; các chế độ khác như hỗ trợ về y tế, tâm lý cho nạn nhân tại cộng đồng; hỗ trợ chi phí cho người phiên dịch, người có trách nhiệm đưa nạn nhân là người nước ngoài ra bến tàu xe để hồi hương; chi phí cho cán bộ phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận lấy lời khai hoặc trong thời gian lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội; quy định nạn nhân được hỗ trợ khó khăn ban đầu; học văn hóa, học nghề; vay vốn từ Quy quốc gia giải quyết việc làm hoặc từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh cho nạn nhân. Về trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân, dự thảo Nghị định không quy định thời gian xác nhận để đảm bảo những người là nạn nhân của mua bán người đều được hỗ trợ; thẩm quyền quyết định hỗ trợ học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu thuộc thẩm quyền của cơ quan lao động, thương binh và xã hội cấp tỉnh quyết định; quy định cụ thể dịch vụ hỗ trợ nạn nhân. Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo trong công tác chuẩn bị xây dựng pháp luật, giải trình chi tiết các nội dung cần điều chỉnh trong Nghị định 09/2013/NĐ-CP. Ông Nguyễn Xuân Lập, chuyên gia tư vấn, nguyên Cục trưởng Cục PCTNXH nêu ý kiến, việc xây dựng chính sách đối với nhóm đối tượng nạn nhân bị mua bán với số lượng hàng năm tuy ít nhưng rất đặc thù của nhóm yếu thế (bị tổn thương về thể chất, tâm lý), thời gian hỗ trợ ngắn trong thời điểm đặc biệt nhằm phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác an sinh xã hội “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân cần nghiên cứu tích hợp với các Cơ sở bảo trợ xã hội ở địa phương để tiết kiệm kinh phí và có hiệu quả trong thực tế. Về chế độ hỗ trợ như: khẩn cấp ban đầu, nhà ở, vay vốn, học nghề... cần nghiên cứu để tương quan, phù hợp với các chính sách về bảo trợ khác với tinh thần không thấp hơn mức hiện có. Bên cạnh những góp ý về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, kỹ thuật dẫn chiếu Nghị định, chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ, cân nhắc việc hướng dẫn gói hỗ trợ trong dự thảo…. Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp về việc hoàn thiện các báo cáo đánh giá, dự thảo Tờ trình. Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự tham vấn ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng nhấn mạnh, từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực (ngày 01/01/2012) đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hoà nhập cộng đồng. Nghị định số 09/2013/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định của Luật về chế độ hỗ trợ, trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ với nạn nhân, đồng thời, quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân, trong đó có trách nhiệm của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau hội thảo,Thứ trưởng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.