Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2022 được BTV Tỉnh ủy tổ chức vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 132 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, là diễn đàn lớn để quán triệt sâu sắc, toàn diện về vai trò của văn hóa, con người Hà Tĩnh, bàn giải pháp phát huy hơn nữa nguồn lực này trong chặng đường mới.
Hội nghị đầu tiên về văn hóa quy mô cấp tỉnh
Hội nghị về văn hóa quy mô cấp tỉnh đầu tiên được tổ chức vào thời điểm mà các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa theo nghị quyết đại hội Đảng các cấp đang từng bước được triển khai và tinh thần chấn hưng văn hóa từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021) đang lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị cũng như trong các tầng lớp nhân dân.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức trọng thể tại Hà Nội vào ngày 24/11/2021. Ảnh tư liệu.
Chuẩn bị cho nội dung hội nghị, UBND tỉnh đã xây dựng báo cáo đánh giá kết quả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa của tỉnh nhà kể từ năm 1998 - khi BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (khóa XIV) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cho đến hiện nay; định hướng giải pháp phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chúc mừng thành công của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh trong kỳ Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. Ảnh: Đình Nhất
Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2022 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, gồm 1 điểm cầu cấp tỉnh; gần 350 điểm cầu cấp huyện, cấp xã và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc với sự tham gia của hơn 15.000 đại biểu là lãnh đạo các cấp, ngành, cán bộ văn hóa - thông tin, CBCCVC từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
TP Hà Tĩnh xác định nội dung quan trọng trong chủ đề phát triển năm 2022 là tạo bước đột phá mạnh mẽ về xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục. Trong ảnh: Lễ hội đua thuyền truyền thống năm 2022 do phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) tổ chức vào cuối tháng 4/2022.
Để tiếp thu tốt nhất về tinh thần, nội dung của hội nghị quan trọng này, các địa phương đã có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu tuyên truyền đến bố trí các điểm cầu và các điều kiện cần thiết.
Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thị Hà Tân cho biết: Huyện tổ chức 13 điểm cầu với 1.200 đại biểu tham dự hội nghị văn hóa toàn tỉnh. Tinh thần chỉ đạo của hội nghị sẽ được huyện tiếp tục chuyển tải, triển khai sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn huyện thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng và các kênh thông tin khác. Kết quả hội nghị là động lực lớn tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và 22 năm thành lập huyện Vũ Quang.
Chiều 9/5, huyện Vũ Quang tổ chức phát động 100 ngày thi đua cao điểm xây dựng NTM, đô thị văn minh chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và 22 năm thành lập huyện Vũ Quang.
Diễn đàn lớn bàn giải pháp giai đoạn mới
Đề cập ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của hội nghị văn hóa lần này, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng cho biết: “Hội nghị là diễn đàn quan trọng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; về truyền thống và bản sắc văn hóa Hà Tĩnh.
Hội nghị được tổ chức vào thời điểm tỉnh nhà dồn sức thực hiện mục tiêu phục hồi, phát triểnKT-XH sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh. Bởi vậy, cùng với việc củng cố và nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh, hội nghị tiếp tục khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và truyền thống văn hóa, con người trong giai đoạn mới nhằm đưa Hà Tĩnh sớm phục hồi và phát triển KT-XH, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra”.
Sáng 8/5, UBND xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư năm 2022 và đón bằng công nhận Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: Huy Tùng.
25 bản tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan quản lý văn hóa, văn nghệ sỹ, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tham gia tại hội nghị sẽ cùng trao đổi, nhìn nhận và đánh giá thấu đáo, sâu sắc về các vấn đề liên quan đến thực trạng văn hóa và con người Hà Tĩnh trong thời gian qua; đề đạt các giải pháp nhằm tạo ra các bước đột phá về văn hóa, thúc đẩy văn hóa Hà Tĩnh phát triển bền vững trong thời gian tới. “Mục tiêu quan trọng là hội nghị sẽ tập trung trí tuệ để nhận diện cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với việc phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh; xác định các vấn đề “nóng”, bức thiết đang đặt ra cho phát triển văn hóa; đánh giá các yếu tố tác động đến thể chế, công tác quản lý văn hóa và sự phát triển của văn hóa, con người Hà Tĩnh; nêu ra những bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp đột phá, kiến tạo môi trường thúc đẩy văn hóa, con người Hà Tĩnh phát triển” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập cho biết.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2022 thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, nhất là các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sỹ, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Ban chia sẻ niềm vui về hội nghị văn hóa toàn tỉnh năm 2022. Ảnh: Thiên Vỹ.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Ban (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) rất vui khi biết tin tỉnh tổ chức hội nghị văn hóa và được mời tham luận tại hội nghị. Ông đã dành nhiều thời gian chuẩn bị tham luận về “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm, ca trù, trò Kiều” với mong muốn góp phần bảo tồn các di sản văn hóa của Hà Tĩnh.
“Tôi đặc biệt tâm đắc với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa mà hội nghị đề cập. Theo tôi, đây chính là cách nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, để thế hệ sau được biết, được thụ hưởng và nhân lên những thành quả, những tinh hoa của người đi trước để lại. Thật phấn khởi, tin tưởng khi cấp ủy, chính quyền các cấp đang thực sự coi trọng phát triển sự nghiệp văn hóa. Tôi tin từ tinh thần của hội nghị, sẽ tạo niềm tin, sự lan tỏa, cổ vũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sỹ, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, sứ mệnh của mình” - Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Ban chia sẻ.