Theo kết quả rà soát hộ nghèo, tính đến cuối năm 2022, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) có tỷ lệ hộ nghèo 3,01%; tỷ lệ hộ cận nghèo 3,4%. Huyện đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân
Huyện Can Lộc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, huyện Can Lộc đã ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và mỗi xã một sản phẩm huyện Can Lộc giai đoạn 2021-2022; Kế hoạch về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình phối hợp về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, đăng ký lớp đào tạo nghề thực hiện các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững. Việc thực hiện công tác giảm nghèo được kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn dân cư của từng xã, thị trấn và toàn huyện.
Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực vào cuộc, phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện, đưa các hoạt động giảm nghèo đi vào cuộc sống. Nhiều phong trào đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và khơi dậy được ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo. Các phòng, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo của huyện tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình và đôn đốc tiến độ thực hiện các chương trình MTQG tại các xã, thị trấn và thôn xóm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, lớp tập huấn để người nghèo và các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện tốt chính sách.
Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện
Căn cứ nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phân bổ hàng năm, huyện Can Lộc đã kịp thời phân bổ cho các địa phương để triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở đó, các địa phương sau khi được phân bổ kinh phí, cơ bản đã tổ chức triển khai giải ngân nguồn vốn đảm bảo tiến độ thời gian quy định. Tuy nhiên, hàng năm, nguồn kinh phí thường là cuối quý II mới được phân bổ nên các địa phương bị động trong công tác lập kế hoạch từ đầu năm và gặp khó khăn trong công tác giải ngân, quyết toán kinh phí. Thêm nữa do điều kiện nguồn ngân sách địa phương khó khăn nên việc bố trí nguồn lực kinh phí đối ứng để thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn; việc huy động nguồn lực khác cho chương trình dự án giảm nghèo vẫn còn hạn chế.
Song song với đó, huyện Can Lộc cũng chú trọng thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: Hỗ trợ y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ khác. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, trên địa bàn huyện có 436 học sinh, sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo và hộ có thu nhập trung bình được vay tín dụng ưu đãi học sinh, sinh viên với số tiền hơn 21,7 triệu đồng; Có 19.669 người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT với số tiền 12.482 triệu đồng và trên 108.000 lượt người thuộc hộ có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT với số tiền trên 69.000 triệu đồng; Có 237 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí là 16.590 triệu đồng bằng nguồn lực xã hội hóa; Số hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là 31.326 lượt hộ với số tiền 2.122,93 triệu đồng…
Ngoài ra, trong 3 năm qua, huyện đã tổ chức 21 cuộc tập huấn cho Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện, xã và các hộ nghèo, với 6.540 lượt người tham gia; tổ chức 23 lớp tập huấn với 3.393 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận với các chương trình, dự án về chủ trương, chính sách pháp luật, hướng dẫn cách làm ăn vươn lên thoát nghèo. Chương trình tín dụng chính sách xã hội đã cho 273 hộ nghèo vay vốn, số tiền 15.365 triệu đồng; 479 hộ cận nghèo, số tiền 22.207 triệu đồng và 3.729 hộ thoát nghèo, số tiền 188.110 triệu đồng.
Nhìn chung, thời gian qua, công tác giảm nghèo đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh; sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Can Lộc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến đến cơ sở đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện. Các thành viên Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao cơ bản đã bám sát chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát quá trình triển khai Chương trình giảm nghèo tại các địa phương. UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện ngày càng tốt hơn về nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bèn vững đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức triển khai tốt, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tính bền vững trong công tác giảm nghèo đã được cải thiện đáng kể. Phong trào “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” được hưởng ứng và triển khai thi đua quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Trong thời gian tới, huyện Can Lộc tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục nâng cao nhận thức tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác giảm nghèo. Thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá tác động của chính sách giảm nghèo, xác định đúng thực chất tình hình thực hiện giảm nghèo, nhất là việc rà soát hộ nghèo hàng năm, đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, khách quan và đúng đối tượng. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn trách nhiệm với cá nhân, tổ chức; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án, đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và phát huy vai trò chủ động của người dân trong việc tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững./.