Trước thềm năm mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã có bài viết định hướng chương trình thanh tra năm 2019, Báo Thanh tra Điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Năm 2019 là năm đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước, triển khai đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Trong công tác thanh tra, toàn ngành Thanh tra tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực, tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành, thực thi pháp luật chuyên ngành.
Ngành Thanh tra quan tâm khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước; kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật, chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; thanh tra công tác quản lý và thực hiện các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; thanh tra chuyên đề diện rộng về mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo; thanh tra vụ việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi cần thiết.
Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của bộ (tập trung những nội dung quan trọng, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm); thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc bộ; thanh tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ (chú trọng thanh tra chuyên đề diện rộng đối với lĩnh vực quan trọng, bức xúc); thanh tra việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước do bộ trưởng quyết định thành lập (nếu có); thanh tra vụ việc do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan các kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ.
Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của sở, ban, ngành cấp tỉnh (tập trung vào những nội dung quan trọng, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm); thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, huyện, thành phố, thị xã, tập trung công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai (thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), khoáng sản, môi trường (cấp phép và khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường), đầu tư xây dựng (dự án sử dụng vốn đầu tư trung hạn, dự án đối tác công tư, đổi đất lấy hạ tầng), tài chính, ngân sách (chống thất thu, mua sắm, quản lý tài sản công), chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới); thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của giám đốc sở và chủ tịch UBND cấp huyện (tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, đơn thư tố cáo tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều ý kiến); thanh tra việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước do chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập (nếu có); thanh tra vụ việc do chủ tịch UBND cấp tỉnh giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan các kết luận thanh tra của sở, huyện.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Tiếp công dân, các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật, các Thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tham mưu giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, địa phương, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành các cấp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Thanh tra Chính phủ; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn); vận hành và cập nhật thường xuyên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra tập trung tham mưu triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng (nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng); tập trung triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và xây dựng trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); xây dựng, ban hành các Thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
Tham mưu các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng (nhất là công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản, thu nhập; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt và trả lương, thu nhập qua tài khoản); tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tham nhũng và chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng; thực hiện tốt việc khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.
Tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin cho báo chí để góp phần thực hiện có hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; tham gia tích cực, chủ động thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Trên cơ sở Định hướng chương trình thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019 với một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Tổng Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn thanh tra bộ, thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019; ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra tỉnh bám sát hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ; yêu cầu công tác quản lý Nhà nước của bộ, UBND cấp tỉnh; yêu cầu công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh; vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được đăng tải trên báo chí hoặc dư luận xã hội quan tâm xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019 trình bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt; đồng thời, có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thanh tra trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019 trình thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.
Thứ hai, thủ trưởng các cơ quan thanh tra quan tâm phối hợp với nhau để hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra, chú trọng thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Thanh tra bộ, thanh tra tỉnh chủ động tránh chồng chéo với kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra có liên quan để trao đổi, thống nhất, khắc phục sự chồng chéo trong kế hoạch thanh tra; chánh thanh tra bộ chủ trì xử lý, khắc phục chồng chéo trong kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ.
Thanh tra tỉnh chủ động tránh chồng chéo với kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra có liên quan để trao đổi, thống nhất, khắc phục sự chồng chéo trong kế hoạch thanh tra tại địa phương; Chánh thanh tra tỉnh chủ trì việc rà soát, xử lý chồng chéo trong kế hoạch thanh tra của thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện.
Thứ ba, thủ trưởng cơ quan thanh tra chủ động và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Kiểm toán Nhà nước để trao đổi, thống nhất, tránh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán, theo đó, trong 01 năm kế hoạch, không được tiến hành thanh tra, kiểm toán cùng 01 nội dung tại 01 đối tượng cụ thể (cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp). Trường hợp không trùng về nội dung thì cơ quan, đơn vị được giao thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán trao đổi, thống nhất, tránh trùng lặp về thời gian tiến hành thanh tra, kiểm toán.
Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để thống nhất giải pháp khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, nhất là trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Các cơ quan thanh tra chủ động tránh chồng chéo với kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm sự độc lập của hoạt động kiểm toán. Trong trường hợp cần thiết, xuất phát từ yêu cầu công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc cần phải phát hiện, xử lý kịp thời vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan thanh tra trao đổi, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước (đơn vị được giao thực hiện kế hoạch kiểm toán) để cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra. Nếu không thống nhất được thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ để trao đổi, thống nhất với Tổng Kiểm toán Nhà nước xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Thứ tư, Kế hoạch thanh tra năm 2019 sau khi được phê duyệt phải gửi về cơ quan thanh tra cấp trên, Kiểm toán Nhà nước và thông báo cho đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.
Thủ trưởng các cơ quan thanh tra tăng cường chỉ đạo, điều hành và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động thanh tra; phát động phong trào thi đua thực hiện Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra năm 2019 đạt hiệu lực, hiệu quả./.
Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ
LTT - Theo Thanhtra.com.vn