"Công tác thể chế trong năm 2020 của Bộ cần tập trung toàn lực cho xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; 14 Nghị định, 01 Quyết định và 8 Thông tư để quy định chi tiết Bộ luật lao động (sửa đổi)" - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác xây dựng thể chế năm 2020, được tổ chức sáng nay 06/3, tại Trụ sở Bộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Quân, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh; Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ; đại diện Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại diện một số Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Tư pháp. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng công tác xây dựng thể chế là một trong những nội dung quan trọng, nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu nhằm tạo ra khuôn khổ hành lang pháp lý trên cả ba lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Những năm qua, với nỗ lực và quyết tâm cao, việc xây dựng thể chế của Bộ đã đảm bảo về tiến độ, chất lượng ngày một nâng lên, tạo khuôn khổ hành lang pháp lý tương đối đồng bộ và toàn diện. Nhiều loại hình, văn bản pháp luật đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, sự vào cuộc của đông đảo các cơ quan, đặc biệt là Bộ luật lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao, 90,006%. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và hoan nghênh công tác thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu đã triển khai nhịp nhàng, hiệu quả. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, công tác xây dựng thể chế của Bộ còn nhiều vấn đề, từ nhận thức, thái độ trách nhiệm đến tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2020, số lượng văn bản phải xây dựng gấp gần 2 lần trung bình hằng năm Năm 2019 là năm đột phá về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành LĐ-TBXH. Nổi bật là việc Quốc hội thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi), phê chuẩn gia nhập Công ước số 98, thông qua hồ sơ đề nghị Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ tịch nước ban hành Quyết định gia nhập Công ước 159 và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây đều là những dự án luật, pháp lệnh lớn, có tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng và có ảnh đến cả mặt kinh tế, chính trị và xã hội, góp phần thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo sự ổn định và phát triển xã hội.
Ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế báo cáo kết quả xây dựng thể chế năm 2019 và nhiệm vụ năm 2020 của Bộ LĐ-TBXH
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động xây dựng thể chế, lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng luôn xác định công tác này là nội dung trọng tâm, nên đã dành sự quan tâm đặc biệt, quyết liệt, sát sao trong việc chỉ đạo thực hiện công tác này; dành thời gian, kịp thời cho ý kiến và trực tiếp xử lý các vấn đề cần giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện. Các đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ với nhau và với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Ông Nguyễn Huy Hưng - Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Để chuẩn bị triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản năm 2020, ngày 02/01/2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cụ thể: Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 đối với dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Trình Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước trình Quốc hội gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức; Phối hợp với cơ quan thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, thông qua sẽ trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh; Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Nghị định, Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 7 Thông tư để quy định chi tiết Bộ luật lao động (sửa đổi); Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành định kỳ 30 nghị định, quyết định, đề án khác; Ban hành theo thẩm quyền 16 thông tư;Nghiên cứu, xây dựng 25 đề án trong chương trình dự bị. Cần một quyết tâm chính trị lớn, hành động nỗ lực cao hơn trong xây dựng thể chế Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2019, công tác xây dựng thể chế được đánh giá là một trong 3 điểm đột phá lớn nhất của ngành LĐ-TBXH. Theo đó, nhiều kết quả thực hiện đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Chủ tịch Quốc hội từng khẳng định, một số vấn đề còn được coi như dấu ấn lịch sử của ngành trong công tác tham mưu với Đảng và Nhà nước. Đơn cử như Bộ luật lao động (sửa đổi) với các nội dung về tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Theo Bộ trưởng, năm 2020 là năm kết thúc các chương trình, mục tiêu, chiến lược quốc gia cũng như các đề án thực hiện trong giai đoạn trước; chuẩn bị xây dựng, ban hành chương trình, mục tiêu cho giai đoạn đến năm 2025-2030 và những năm tiếp theo. Nếu không có một quyết tâm chính trị lớn, hành động nỗ lực cao hơn thì khó có thể đạt được mục tiêu.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tất cả các đơn vị phải hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng xây dựng thể chế
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước hết các đơn vị phải bám sát Quyết định số 03/QĐ-LĐTBXH, ngày 02/01/2020 về việc Ban hành Chương trình công tác năm 2020 của Bộ. Bởi Quyết định 03 đã thể chế hóa chi tiết các nhiệm vụ của các đơn vị, kế hoạch đến từng tháng. Đặc biệt quan tâm, tập trung cao cho việc xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hướng đây là một loại hình hợp tác lao động; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ; 14 Nghị định, 01 Quyết định và 8 Thông tư để quy định chi tiết Bộ luật lao động (sửa đổi). "Phải trình Chính phủ chậm nhất trước ngày 15/11/2020, để khi Bộ luật lao động có hiệu lực thì đồng thời các văn bản dưới luật cũng phải được triển khai đồng bộ và có hiệu lực" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. Với hàng loạt các vấn đề về xây dựng thể chế của ngành LĐ-TBXH trong năm 2020, Bộ trưởng lưu ý những vấn đề như: Chính sách tiền lương trong doanh nghiệp, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, cải cách tiền lương của người nghỉ hưu, tiêu chí giảm nghèo bền vững, định hướng phát triển ngành…Theo đó, cơ quan quản lý cần đánh giá tác động khi xây dựng chính sách nhằm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, thu hút ngân sách đầu tư thêm, giải quyết bài toán lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1995, xử lý bất cập giữa thời điểm nghỉ hưu và cách áp dụng mức tính lương hưu. Bên cạnh đó, lĩnh vực giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025 phải tiếp cận được những tiêu chí, yêu cầu của hội nhập, những cam kết mà Việt Nam đã đặt ra trong Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Với những "điểm nghẽn" của ngành từ nay đến năm 2025, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý đưa ra các giải pháp để xây dựng một thị trường lao động phát triển theo hướng đồng bộ, lành mạnh, hiện đại, hội nhập; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; có chính sách dài hạn về lao động việc làm; Chính sách sử dụng lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về; vấn đề phát triển bao trùm bền vững, trong đó xây dựng chính sách đối với người yếu thế. Cuối cùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tất cả các đơn vị phải hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng xây dựng thể chế. Cơ quan được giao nhiệm vụ ở lĩnh vực nào thì cơ quan đó chủ trì; Trong quá trình xây dựng văn bản phải chú ý đánh giá tác động, không chạy theo hình thức, đối phó, đặc biệt là vấn đề tương thích luật pháp trong nước và các công ước, cam kết quốc tế ; Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ; Phát huy vai trò các chuyên gia trong và ngoài ngành; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau khi xây dựng các văn bản pháp luật ; Tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc công tác xây dựng thể chế, đi liền với đó là rà soát các văn bản đang hiện hành. Đảm bảo năm 2020 chúng ta hoàn thành, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ xây dựng thể chế và triển khai thể chế của ngành
Tác giả bài viết: Nguồn: Website Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội