Nguyễn Trí Lạc
TUV, Giám đốc Sở LĐTBXH
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách, phát huy kết quả công tác đền ơn đáp nghĩa. Trong những năm qua, Cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và mọi và mọi từng lớp Nhân dân không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, không để người có công thuộc diện hộ nghèo. Chú trọng nêu gương “người tốt, việc tốt”, tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự lực, tự cường của thương binh, bệnh binh, người có công, tham gia công tác người có công, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhất là các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; chăm lo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh…
Đoàn Đại biểu Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Hoàng Trung Dũng - UV BCHTW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng trị) nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (Nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 429.474 lượt hồ sơ đối tượng người có công, trong đó: (1) Cán bộ Lão thành cách mạng: 1.528 người; (2) Cán bộ Tiền khởi nghĩa: 901 người; (3) Liệt sỹ: 26.483 người; (4) Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 1.975 mẹ; (5) Anh hùng lao động trong kháng chiến và Anh hùng LLVT: 35 người; (6) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: 37.461 người; (7) Bệnh binh: 10.030 người; (8) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ: 6.507 người; (9) Cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày: 612 người; (10) Người có công giúp đỡ cách mạng (có công với nước): 256 người; (11) Huân huy chương kháng chiến: 145.146 người, (12) Huân huy chương gia đình: 43.010 người và Huân huy chương Liệt sĩ theo NĐ 59: 27.088 người và một số hồ sơ khác, …..
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải dâng hương tại khu mộ các liệt sỹ quê Hà Tĩnh ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước, các phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ…
Hàng năm thực hiện chi trả kịp thời kinh phí trợ cấp thường xuyên trên 43.000 người, trợ cấp một lần 50.000 lượt người và các chính sách khác với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; trên 50.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo quy định; có gần 20 nghìn đối tượng được đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình với kinh phí trên 25 tỷ đồng. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán và ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 hàng năm, các cấp, các ngành chỉ đạo, tổ chức trao quà của Chủ tịch nước đảm bảo kịp thời, chú đáo, đạt mục đích, ý nghĩa. Ngoài quà của Chủ tịch nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã trích ngân sách trên 35 tỷ đồng/năm để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công, dâng hoa, dâng hương tại các công trình ghi ơn các anh hùng liệt sĩ kịp thời, chu đáo.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 05/9/2013 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ 5.158 hộ với tổng kinh phí là 155,5 tỷ đồng. Đến nay, đã hỗ trợ và cấp kinh phí cho 4.598 hộ, trong đó tiến hành xây mới 2.349 căn nhà, sửa chữa 2.249 nhà với kinh phí trên 139 tỷ đồng.
Đoàn Đại biểu Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Hoàng Trung Dũng - UV BCHTW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9 (Quảng trị) (Nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các công trình ghi công các liệt sĩ được quan tâm triển khai đồng bộ. Công tác tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sĩ tổ chức trang nghiêm, chu đáo. Từ năm 1999 đến nay toàn tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 940 hài cốt (đón nhận từ Lào về 787 hài cốt, trong nước 147 hài cốt, các tỉnh bàn giao 06 hài cốt). Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn tỉnh đã xây dựng 11 nghĩa trang liệt sĩ, 2 Nhà bia cấp huyện, 01 nghĩa trang Liệt sỹ (Nghĩa trang Cầu Nhe xã Vĩnh Lộc huyện Can Lộc), 259 nhà bia, đài tưởng niệm cấp xã. Riêng từ năm 2013 đến nay, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước gần 78,7 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 66 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 13,7 tỷ đồng) và các nguồn xã hội hóa khác.
Thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề giải quyết việc làm nâng cao đời sống, thu nhập của người có công. Đầu năm 2019, toàn tỉnh có 433 hộ nghèo là hộ người người có công với 2.023 nhân khẩu (không có thu nhập), được hỗ trợ 750.000 đồng/1 nhân khẩu/tháng (khu vực nông thôn), 950.000 đồng/nhân khẩu/tháng (khu vực thành thị). Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú và không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Năm 2020-2021, toàn Đảng, toàn dân tập trung lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong điều kiện thiên tai lũ lụt, đại dịch Covid-19 nhưng trước, trong và ngay sau Đại hội thành công, Hà Tĩnh đã không ngừng tăng cường sự lãnh đạo, chị đạo nhằm tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người công với cách mạng và gia đình chính sách. Trong đó tập trung:
Thực hiện tốt kế hoạch tổng kết, rà soát công nhận người có công với cách mạng từ năm 2013 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1251/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Kế hoạch tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng.
Thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số đối tượng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 09/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ: 173.699 đối tượng, tổng kinh phí phê duyệt gần 199 tỷ đồng. Trong đó có 37.915 người có công với kinh phí gần 56,9 tỷ đồng.
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 22-QĐ/TU ngày 20/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là chương trình đặc biệt với việc huy động nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và con em Hà Tĩnh làm việc, trưởng thành ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ tính riêng ở cấp tỉnh, đã có 35 nhà tài trợ cam kết hỗ trợ kinh phí cho Chương trình với tổng kinh phí hơn 211 tỷ đồng. Đến nay, đã có 2.053 đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai được Ban Chỉ đạo 22 tỉnh phê duyệt hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố, kết hợp với phòng tránh bão lũ với tổng kinh phí thực hiện 143,7 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 30 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với phòng tránh bão, lũ tại 12 huyện, thành phố, thị xã với tổng kinh phí thực hiện 60 tỷ đồng; trong đó có 722 nhà ở người có với số tiền trên 50,5 tỷ đồng.
Tổ chức tiếp nhận và an táng 11 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh tại Nước Cộng hòa DCND Lào về nước trang nghiêm chu đáo.
Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý kinh phí chi trả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tổ chức, thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi vào ngân sách nhà nước những trường hợp sai phạm, tổng kết công tác thanh tra từ trước đến nay. Đến năm 2020-2021, qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện đình chỉ thu hồi hàng nghìn trường hợp hưởng sai chế độ (với thời gian kéo dài từ 15-20 năm) với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, xử lý giải quyết dứt điểm hàng ngàn vụ việc tồn động kéo dài hàng chục năm.
Triển khai thực hiện “Đề án thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” theo Quyết định số 2369/QĐ-UBND ngày 17/06/2021 của UBND tỉnh.
Phải khẳng định rằng trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020-2021 Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã không ngừng tham mưu cấp ủy chính quyền các cấp thực hiện ngày càng tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, chính quyền các cấp, các địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021) bao gồm một số nội dung được điều chỉnh bổ sung như: (1) Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. (2) Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. (3) Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng. (4) Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, bảo đảm thiết thực, sâu rộng, hiệu quả; huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”. Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị cấp ủy và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công với cách mạng.
Ba là, tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về chính sách ưu đãi người có công.
Bốn là, quan tâm thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng; xây dựng đề án nâng cao chất lượng công tác quản lý xây dựng, duy tu, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ, công tác mộ liệt sỹ, nghiên cứu quy hoạch đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng nâng cấp, đổi tên nghĩa trang liệt sỹ Nầm Hương Sơn, thành nghĩa trang cấp quốc gia.
Năm là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người thực hiện công tác người có công; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Sáu là, tập trung thực hiện tốt kế hoạch hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/07/1947-27/07/2021).
Kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống của dân tộc ta: “Đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa đến công tác chăm sóc, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả thiết thực. Thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc người có công, người tham gia kháng chiến và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” vừa là mục tiêu vừa là động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.