Thời gian qua, công tác CCHC tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã được BCH Đảng bộ, Lãnh đạo Sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, có chuyển biến và có sự đột phá rõ nét. Nhất là kịp thời tham mưu hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhiệm vụ của ngành được cụ thể hóa, sát thực tiễn. Nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu và của công chức, viên chức về công tác CCHC được nâng cao; tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; tỉ lệ giải quyết trước và đúng hạn các TTHC đạt 100%; kỷ luật, kỷ cương hành chính tiếp tục được xiết chặt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành được thực hiện có hiệu quả, hệ thống quản lý chất lượng ISO được chuyển đổi và áp dụng, hiện đại hóa nền hành chính ngày càng rõ nét hơn…Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy; an sinh xã hội được đảm bảo, nâng cao niềm tin của Nhân dân, từng bước khẳng định diện mạo, dấu ấn của ngành.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện CCHC ở một số phòng, đơn vị chưa quyết liệt, có việc còn hình thức; công tác phối hợp giữa các phòng, đơn vị có mặt còn thiếu hiệu quả; chất lượng tham mưu, chất lượng phục vụ của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; một số nhiệm vụ được giao xử lý chậm. Việc khắc phục các tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau thanh tra công vụ, kiểm tra CCHC ở một số phòng, đơn vị chưa triệt để, kịp thời.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngoài trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Sở là trách nhiệm của các Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc thiếu quyết tâm, thiếu chủ động; một số nội dung, nhiệm vụ của CCHC chưa tập trung….Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác CCHC, Sở Lao động – Thuwong binh và Xã hội cần thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ sau:
1. Tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC năm 2021 một cách đồng bộ trên 06 lĩnh vực; xây dựng Kế hoạch CCHC năm 2021 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị, góp phần đẩy mạnh công tác CCHC trong toàn ngành.
2. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao chất lượng tham mưu văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất khả thi của hệ thống văn bản; thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện các nội dung không phù hợp, có phương án tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản QPPL theo quy định.
3. Triển khai thực hiện đúng tiến độ, chất lượng chương trình khung và các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao trong các chương trình hành động, kế hoạch, quyết định và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đảm bảo tỷ lệ hoàn thành 100%.
4. Đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trong đó tập trung rà soát, cập nhật, công bố, công khai kịp thời các TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung. Thường xuyên rà soát các quy định hành chính, TTHC để kiến nghị đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, thực hiện việc cắt giảm thời gian, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng thực hiện TTHC.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng là người có công và thân nhân của họ. Rà soát, xử lý kịp thời hồ sơ chờ bổ sung và hạn chế tối đa lượng hồ sơ trả lại trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Thực hiện nghiêm quy định về xin lỗi cá nhân, tổ chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC do để chậm, kéo dài thời gian xử lý, trả kết quả. Nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nghiêm cấm tuyệt đối việc công chức các phòng chuyên môn trực tiếp trả kết quả cho cho người dân và doanh nghiệp.
5. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Không tham mưu, đề xuất thực hiện bổ nhiệm mới lãnh đạo cấp phòng, lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo các phòng khoa, trung tâm trong thời gian đang thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác tại Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc; Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Rà soát, cập nhật đầy đủ các thành phần hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện công tác quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định. Cụ thể hóa các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả và sản phẩm cụ thể phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; gắn việc thực hiện công tác CCHC với chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc chuyên môn của từng cán bộ.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; có giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Duy trì và áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động của cơ quan Văn phòng Sở; mở rộng việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015 tại các đơn vị trực thuộc; Thường xuyên thực hiện công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thông qua giải quyết TTHC (bằng hình thức lấy phiếu khảo sát lấy ý kiến trực tiếp) tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả định kỳ hàng tháng, hàng quý.
7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của tỉnh, của Sở về công tác CCHC, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; nội dung, hình thức tuyên truyền phải đảm bảo tính thời sự, chính xác và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
8. Tăng cường thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê định kỳ, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của của ngành và của các đơn vị theo quy định. Giao bộ phận công nghệ thông tin phối hợp với Văn phòng đôn đốc, theo dõi, báo cáo Giám đốc, xử lý kịp thời các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc nội dung này.
9. Đối với các phòng, bộ phận chuyên môn tham mưu công tác CCHC của Sở (Văn phòng, phòng Kế hoạch – Tài chính, Công nghệ thông tin): Căn cứ vào các tiêu chí bị trừ điểm theo tổng hợp của đoàn thẩm định, tham mưu các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, gửi Giám đốc Sở (qua Văn phòng) trước ngày 25/3/2021 (theo Phụ lục 01 gửi kèm).
Kết quả, hiệu quả CCHC tiếp tục được xác định là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đánh giá công chức, đảng viên hàng năm, nhất là đối với trưởng, phó phòng, thủ trưởng đơn vị. Phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng với kiểm tra, giám sát của chuyên môn để tạo sự đồng bộ, thống nhất về mặt chỉ đạo, quản lý.
Giao Công đoàn, đoàn thanh niên phối hợp đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện; Văn phòng tổng hợp, báo cáo Giám đốc và các cơ quan theo quy định.