Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Thương binh - Liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng, hơn 70 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ xây dựng và phát triển KT-XH của đất nước. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, Tại Đại hội lần thứ VI, Đảng ta chỉ rõ phải: “thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng...”. Đại hội VII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”. Văn kiện Đại hội VIII: “Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ...”. Tại Đại hội IX, Đảng khẳng định: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên”. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”. Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời tiếp tục: “Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”; “Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Kỳ Anh
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Hiếp pháp năm 1992 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 29/4/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước” Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, ...ngày 18-6-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba; ngày 15-11-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Ngày 16-7-2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng, thêm một số chính sách ưu đãi mới. Có thể nói rằng tùy từng giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước Đảng ta, Nhà nước ta qua mỗi nhiệm kỳ đại hội lại tiếp tục khẳng định và quan tâm nhiều hơn, toàn diện hơn đến đời sống vật chất tinh thần đối với người có công với cách mạng, hệ thống chính sách của đảng được thể chế hóa, qui định pháp luật của nhà nước là hành lang pháp lý để các cấp ủy, chính quyền, nhân dân làm tốt công tác thương binh- liệt sĩ, người có công với cách mạng... Cùng với hệ thống chính sách Trung ương; trong mỗi thời kỳ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tổ chức quán triệt triển khai thực hiện, thể chế hóa các văn bản của trung ương, tổ chức triển khai đến tận địa phương, cơ sở và nhân dân.
. Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU của Tỉnh ủy ngày 05/01/2007 về tăng cường sự chỉ đạo đối với công tác Thương binh- Liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ; Chỉ thị số 38/CT-TU ngày 17/3/2014 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Văn bản số 568-CV-TU ngày 10/4/2017 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ; Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 20/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quan triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng…; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2642/QĐ-UBND ngày 05/6/2013 về phê Duyệt và triển khai Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo quyết định số 22/2013/QĐ-TTg; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 29/11/2014 về triển khai thực hiện chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng và nhiều quyết định, kế hoạch triển khai, chỉ đạo kịp thời các chính sách pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng và phong trào ‘Đền ơn đáp nghĩa”.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng nhà nước Trung ương, cấp ủy chính quyền các cấp địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ chính sách cho 390.894 lượt hồ sơ đối tượng người có công. Trong đó: (1) Cán bộ Lão thành cách mạng: 1.511 người; (2) Cán bộ Tiền khởi nghĩa: 895 người; (3) Liệt sỹ: 26.469 người; (4) Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 1.961 mẹ; (5) Anh hùng lao động trong kháng chiến và Anh hùng LLVT: 35 người; (6) Thương binh: 37.364 người; (7) Bệnh binh: 10.025 người; (8) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ: 6.462 người; (9) Cán bộ hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày: 608 người; (10) Người có công giúp đỡ cách mạng (có công với nước): 256 người; (11) Huân huy chương kháng chiến: 215.217 Huân, huy chương; (12) trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 18.458 suất và các chính sách người tham gia kháng chiến theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đồng bộ, kịp thời, minh bạch, khách quan, đúng đối tượng.
Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - UVBCH Đảng bộ tỉnh, UV UBND tỉnh - Giám đốc Sở Lao động - TBXH thăm và tặng quà cho các đối tượng người có công ở xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên) nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019
Hàng năm, thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên trên 45.000 người, trợ cấp ưu đãi học sinh sinh viên, hỗ trợ học nghề giải quyết việc làm… trợ cấp một lần 50.000 lượt người và các chính sách khác với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; vào dịp tết nguyên đán và ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 được các cấp, các ngành, tổ chức tặng quà của Chủ tịch nước. Ngoài quà của Chủ tịch nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, xã trích ngân sách trên 35 tỷ đồng/năm để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người có công, đảm bảo kịp thời, chu đáo, dâng hoa, dâng hương tại các công trình ghi ơn các anh hùng liệt sĩ.
Đoàn đại biểu Hà Tĩnh dâng hương hoa, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 05/9/2013 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ 5.158 hộ; tổng kinh phí là 155.500 triệu đồng; đến nay đã hỗ trợ và cấp kinh phí cho 4.598 hộ, trong đó: Xây mới: 2.349 căn nhà, sữa chữa 2.249 nhà với kinh phí 139,060 tỷ đồng; số còn lại 560 hộ không có nhu cầu hỗ trợ, có đơn tự nguyện xin rút 520 hộ (trong đó: xây mới 292 hộ, sửa chữa 272 hộ).
Ký kết biên bản bàn giao hài cốt, tiễn đưa các liệt sĩ về an táng tại quê nhà Hà Tĩnh.
Cùng với đó, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được các đơn vị, địa phương hết sức chú trọng; công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh; tổ chức và bảo đảm được thực hiện tốt hơn. Năm 2018 vừa qua, Bộ LĐ-TBXH, Bộ TT&TT đã phối hợp đưa vào vận hành Cổng thổng tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ để giúp người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các công trình ghi công các liệt sĩ được quan tâm triển khai đồng bộ. Công tác tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sĩ tổ chức trang nghiêm, chu đáo. Từ năm 1999 đến nay toàn tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 922 hài cốt (đón nhận từ Lào về 769 hài cốt, trong nước 147 hài cốt, các tỉnh bàn giao 06). Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm” toàn tỉnh đã xây dựng 11 nghĩa trang liệt sĩ, 2 Nhà bia cấp huyện; 1 nghĩa trang Liệt sỹ (Nghĩa trang Cầu Nhe xã Vĩnh Lộc huyện Can Lộc) 259 nhà bia, đài tưởng niệm cấp xã. Riêng từ năm 2013 đến nay hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nghĩa các trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng trong đó ngân sách nhà nước: 78,671 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 65,922 tỷ đồng; ngân sách địa phương 13,749 tỷ đồng) và các nguồn xã hội hóa khác. Đặc biệt năm nay, tiếp tục đầu tư, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Nầm huyện Hương Sơn; xây dựng đề án huy động xã hội hóa nguồn lực duy tu, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.
Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ an táng hài cốt liệt sỹ hy sinh tại Lào về nghĩa trang Nầm (huyện Hương Sơn)
Việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công được triển khai quyết liệt, khẩn trương, trách nhiệm. Tuy Hà Tĩnh không có hồ sơ tồn động, nhưng việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công đối với những trường hợp hồ sơ cá nhân bị thất lạc, sai sót về hồ sơ, sai sót về cơ chế chính sách qua các thời kỳ nhân dịp phát động này đã giải quyết được hàng ngàn trường hợp;
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” mang lại những kết quả to lớn, thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Từ năm 2013 đến nay đóng góp hơn 43,556 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng mới 1170nhà, sửa chữa 355 nhà tình nghĩa với tổng giá trị 42,741 tỷ đồng; tặng 2.524 sổ tiết kiệm, các trang thiết bị, đồ dùng thiết yếu trị giá hàng chục tỷ đồng; 100% mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 98% xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ, người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, bản thân thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cũng nổ lực phấn đấu vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu, điển hình, là những nhân tố mới trong phát triển kinh tế, khoa học và các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngoài những kết quả đã đạt được, chính sách ưu đãi đối với người có công với nước còn một số hạn chế cần tiếp tục tập trung giải quyết.
Công tác quản lý và thực hiện chế độ, chính sách qua các thời kỳ vẫn chưa chặt chẽ, để xảy ra sai sót, tiêu cực ở một số nơi; trong lúc đó vẫn còn một số bất cập trong thực thi pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, cần được xem xét, nghiên cứu, bổ sung như: Chế độ BHYT đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; trợ cấp một lần đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế, người có công với cách mạng, giúp đỡ cách mạng được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi, BHYT đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá và một số người có công và thân nhân của họ vẫn chưa được hưởng chính sách do mất giấy tờ, thiếu thông tin hồ sơ. Nhiều trường hợp người tham gia cách mạng bị chết, bị thương hoặc mất tin chưa được xác nhận, vẫn còn rất nhiều người mẹ, người vợ liệt sĩ vẫn mong đợi thông tin chính thức về phần mộ của người thân, rất nhiều phần mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin, chưa thực hiện được việc Giám định ADN, và chắc chắn rằng càng ngày sẽ không còn cơ hội để được giám định vì mẩu giám định ngày càng xấu đi... Chế độ trợ cấp ưu đãi nói chung còn thấp; Những khó khăn, hạn chế trong cơ chế, chính sách được phát hiện nêu trên các địa phương, cơ sở đã kịp thời kiến nghị đến bộ, ngành Trung ương để xem xét đưa vào nội dung sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công lần này theo Chương trình đăng ký xây dựng văn bản pháp luật của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội năm 2019 nhưng vẫn còn chậm.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Trong thời gian tới ngoài việc tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi khi được Quốc hội thông qua, cần thực hiện tốt mấy giải pháp cơ bản sau:
Một là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và các hoạt động tri ân thiết thực đối với người có công, cần xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên liên tục và kết hợp chặt chẽ với công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội địa phương vững mạnh
Hai là, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác thương binh - liệt sĩ và người có công. tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước; bảo đảm các khoản phụ cấp, trợ cấp cho các đối tượng; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách mới sau sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh chăm sóc người có công, gia đình chính sách có nhiều khó khăn; tiếp tục rà soát, phối hợp kêu gọi hỗ trợ các phương tiện, đồ dùng thiết yếu đối với người có công theo kế hoạch và các hoạt động ‘Đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Ba là, tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về xác nhận thương binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Tăng cường công tác gặp gở’ đối thoại, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở; công khai, minh bạch thông tin, kết quả giải quyết các chế độ, chính sách.
Bốn là,Thực hiện có hiệu quả Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy định, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; kết hợp chặt chẽ việc cung cấp thông tin với tìm kiếm, quy tập, giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ.
Năm là, Xây dựng Đề án, huy động nguồn lực duy tu, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và Chương trình hành động của Tỉnh ủy sau sát nhận đơn vị hành chính cấp xã, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cùng với nguồn ngân sách trung ương và địa phương các cấp. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp và trình cấp có thẩm quyền đổi tên nghĩa trang liệt sĩ Nầm huyện Hương Sơn thành “Nghĩa trang Liệt sỹ - Hữu nghị Việt Lào- Nầm-Hương Sơn” thuộc nghĩa trang Liệt sỹ cấp quốc gia
Kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống của dân tộc ta: “Đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa đến công tác chăm sóc, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả thiết thực. Thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc người có công, người tham gia kháng chiến và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” vừa là mục tiêu vừa là động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.