Số lao động xuất khẩu sẽ duy trì 100.000 mỗi năm, tăng tỷ lệ đào tạo nghề bài bản và hướng tới thị trường thu nhập cao, theo Cục phó Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm.
Xuất khẩu lao động ngoài những thành tựu đạt được sau hơn 40 năm vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trả lời VnExpress về vấn đề này.
- Sau 40 năm xuất khẩu lao động, ông đánh giá đâu là tồn tại lớn nhất hiện nay?
- Việt Nam bắt đầu đưa người đi làm việc tại nước ngoài từ những năm 1980, nhằm giải quyết việc làm và nâng cao tay nghề cho lao động để về xây dựng đất nước. Đây là chủ trương xuyên suốt hơn 40 năm qua.
Thành tựu mang lại là không thể phủ nhận, song đổi thay của kinh tế - xã hội khiến nhiều chính sách không còn phù hợp. Vấn đề đặt ra là làm sao tận dụng nguồn nhân lực này sau khi về nước. Họ là tài nguyên đáng quý khi có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, học được tác phong công nghiệp, sử dụng máy móc hiện đại...
Việc đưa lao động trình độ chuyên môn đi chưa đạt yêu cầu, quy định đã có, nhưng trách nhiệm tổ chức chưa đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Nhiều nước có đơn hàng cần lao động có chuyên môn và kỹ năng nghề, như hàn, điện, cơ khí, phay, cắt gọt... nhưng doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ảnh: Giang Huy
- Tại sao qua 40 năm, 90% người lao động vẫn ở mức tay nghề thấp?
- Thực tế không hẳn người đi đều chuyên môn thấp mà phần lớn đã qua đào tạo ít nhất sơ cấp trong vòng ba tháng. Vấn đề này một phần đến từ thị trường tiếp nhận. Có nơi không cần nhiều ngoại ngữ mà chú trọng tay nghề, nhưng có nơi đặc biệt quan tâm đến tiếng như ngành chăm sóc sức khỏe liên quan tính mạng con người.
Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn, là lộ trình đã được tính đến. Thị trường xuất khẩu cũng luôn thiếu lao động phân khúc này. Có trình độ đồng nghĩa có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn. Họ cũng không thuộc nhóm yếu thế, khi gặp biến cố như đại dịch thường được giữ lại chứ không bị cắt giảm đầu tiên. Người lao động qua đào tạo bài bản chắc chắn ý thức tổ chức kỷ luật cũng tốt hơn nhóm lao động bậc thấp.
Hiện rất cần những chính sách giúp doanh nghiệp chủ động trong cung ứng nguồn lao động bậc cao, cụ thể kết hợp các trường nghề đào tạo nhân lực mà doanh nghiệp cần chứ không đợi tới lúc ký hợp đồng rồi mới đi tuyển sẽ không kịp. Từ lúc có đơn hàng tới khi đưa lao động đi chỉ vài ba tháng, mình không đáp ứng kịp khách sẽ chuyển đối tác khác.
- Vậy đâu là khâu yếu nhất trong đào tạo trước khi đưa lao động đi?
- Cửa ải đầu tiên với lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ, khâu này đang rất yếu. Đưa lao động đi thị trường nào, ngành nghề gì, đều cần ngoại ngữ. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tránh được nhiều nguy cơ lẫn va chạm với quản lý. Cơ hội việc làm sau khi về nước cũng luôn rộng mở với những người biết ngoại ngữ, giỏi tiếng thì làm quản lý, trợ lý chứ không ai bố trí cho làm công nhân.
Vì yếu ngoại ngữ, người ta hướng dẫn một đường, mình làm một nẻo, làm sai nhiều thì bị xử phạt, dễ mâu thuẫn rồi bỏ ra ngoài làm. Tôi từng gặp lao động không biết gì về vận hành máy móc, nhưng vốn ngoại ngữ khá nên chỉ vài tháng sang Nhật Bản đã vận hành thành thạo thiết bị, hết 5 năm được chuyển visa lao động bậc cao và đưa cả vợ con sang nơi làm việc.
Chính sách đào tạo nghề hiện chỉ coi ngoại ngữ là công cụ học nghề, học cấp tốc vài ba tháng, trong khi đáng ra cần có thêm chương trình, dự án đào tạo ngoại ngữ song hành với nghề.
Lao động từng đi làm việc tại Nhật Bản nghe tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 7/2022. Ảnh: Hồng Chiêu
- Bài toán việc làm cho lao động hậu xuất khẩu đã được tính như thế nào khi thực tế rất nhiều người tái thất nghiệp?
- Hiện chưa có thống kê hay báo cáo về số lượng lao động tìm được việc làm khi về nước. Người lao động trở về chủ yếu tự lực cánh sinh, tự khởi nghiệp hoặc tìm kiếm công việc mới. Chủ trương hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động sau khi về nước đã có, song chưa hiệu quả, cũng chưa có chế tài ràng buộc các cấp ngành phải làm.
Thời gian tới, ngoài hệ thống dữ liệu của cơ quan trung ương, địa phương cũng nên có cơ sở dữ liệu con em đi nước ngoài làm việc và trở về. Dữ liệu chứa thông tin về quá trình làm việc tại nước ngoài, ngành nghề kỹ năng ra sao... để đưa lên các sàn hoặc trung tâm giới thiệu việc làm.
Một số doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến bài toán này. Họ có chính sách định hướng luôn cho lao động trước khi xuất khẩu, rằng ngoài kiếm tiền còn phải học hỏi để sau này về nước dễ tìm việc, thậm chí tạo “chợ” giao dịch việc làm, mời các doanh nghiệp nước ngoài đến để tuyển dụng. Nói chung là tạo thành quy trình khép kín từ lúc lao động đi tới khi về.
- Xuất khẩu lao động thời gian tới sẽ đặt trọng tâm vào khâu nào để giải quyết những tồn tại trên?
- Cục Quản lý lao động ngoài nước với vai trò chuyên môn sẽ tiếp tục đàm phán, tìm kiếm các thị trường chất lượng, thu nhập cao để đưa lao động đi, hướng tới các nước phát triển như châu Âu, Australia...
Mục tiêu hàng năm duy trì số lượng khoảng 100.000 người đi. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất nửa năm trở lên, chứ không chỉ sơ cấp như hiện nay. Tỷ lệ nâng dần từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi phải được đào tạo bài bản. Chất lượng, ý thức lao động xuất khẩu tăng lên sẽ giải quyết nhiều vấn đề, hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn hoặc cư trú bất hợp pháp; giải bài toán việc làm sau khi về nước...
Những năm trước đây, chúng ta đặt mục tiêu đưa người đi được càng nhiều càng tốt để giải quyết việc làm. Nhưng số lượng đông thì khó quản lý, bởi họ không chỉ làm việc 1-2 năm như trước mà 3-5 năm, thậm chí nhiều hơn. Hiện có hơn nửa triệu lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài.
Có ý kiến nói cần có chiến lược hoặc chương trình tổng thể cho xuất khẩu lao động. Tôi cho rằng nếu nằm trong chương trình tổng thể về lao động việc làm để nâng cao tay nghề, chất lượng lao động thì được, còn không nhất thiết xây dựng thành chiến lược riêng.
Tầm vóc lẫn vị thế đất nước ngày càng được khẳng định, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam đầu tư, nhiều nơi rất “khát” nhân công tay nghề cao. Vì thế, đưa lao động đi để học hỏi, được đào tạo và lực lượng này sẽ quay về phục vụ đất nước. Cũng không cần quá lo lắng về câu chuyện chảy máu chất xám khi mà lao động đi đều có thời hạn. Song với nhóm này, các bên sẽ cần quan tâm chính sách tiền lương, đãi ngộ, môi trường làm việc thỏa đáng.