Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012; Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện kế hoạch số 688/KH-SLĐTBXH ngày 01/10/2019 của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về thực hiện “ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ngày 01/11/2019, lồng ghép trong Lễ chào cờ đầu tháng 11, Văn phòng phối hợp với Thanh tra sở tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01-07-2019. Vấn đề kiểm soát thu nhập được nhắc tới từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 với việc quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản; Luật PCTN năm 2005 phát triển chế định kê khai tài sản thành chế định minh bạch tài sản, thu nhập. Đến Luật PCTN (sửa đổi) lần này thì vấn đề được phát triển thêm một bước thành chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, coi trọng việc kiểm soát tính xác thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập. Luật đã quy định hoàn thiện hơn hệ thống cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, bảo đảm tính chuyên nghiệp, độc lập trong kiểm soát tài sản thu nhập. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được bổ sung nhiều thẩm quyền hơn, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, như: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, công an, hải quan, những cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin có liên quan để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập. Căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập được quy định rõ ràng, mở rộng hơn; hình thức kê khai, phương thức kê khai tài sản cũng có đổi mới để bảo đảm tính hiệu quả cao hơn. Có nhóm đối tượng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn, như: Nhóm giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên sẽ buộc phải kê khai hằng năm. Những nhóm đối tượng tuy không giữ chức vụ cao nhưng công tác ở những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập một cách ngặt nghèo hơn. Cùng với đó, công nghệ thông tin sẽ được phát huy tác dụng trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật đã có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.
Công chức Văn phòng Sở nghe tuyên truyền Luật Phòng, chống tham nhũng 2018Sau đây là những điểm mới cụ thể: 1. Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhậpNhững người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật này quy định tại Điều 34. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật cũ, mà được mở rộng như sau: - Cán bộ, công chức; - Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; - Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; - Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). 2 - Thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, như: Nhà, đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài. Luật mới yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất. 3 - Biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm phải kê khai bổ sung Theo khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh. Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật. 4 - Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập trước ngày 31-12 heo đó, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo các phương thức sau: - Kê khai lần đầu : Áp dụng cho các đối tượng nêu trên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31-12-2019. - Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31-12 năm có biến động tài sản. - Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công... Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31-12… 5 - Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai Điều 39 của Luật này nêu rõ, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử… 6 - Kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc Theo khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: Cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến. Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.