Sắp tới đây, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ khai trương, giai đoạn đầu sẽ cung cấp 8 nhóm dịch vụ công.
Trên cơ sở đó, Tổ công tác đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh; đồng thời đảm bảo các chức năng theo quy định, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này. Đây là nội dung được nhấn mạnh trong cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng với 9 địa phương để kiểm tra tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính , chiều 5/12 tại trụ sở Chính phủ. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết trong công tác chỉ đạo, điều hành, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Bên cạnh đó, một số địa phương đã phê duyệt và triển khai đề án xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh giai đoạn 2019-2025 (Lạng Sơn); xây dựng Nghị quyết Ứng dụng công nghệ thông tin gắn với Chính quyền điện tử giai đoạn 2019-2025 (Lai Châu)... Các địa phương cũng đã xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, tích hợp, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh và với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành (Lạng Sơn, Tuyên Quang...); tiến hành xây dựng Chính quyền số giai đoạn 2019-2025 (Quảng Ninh); đồng thời, triển khai xây dựng nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Nhân dân tỉnh, hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Về gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, các địa phương đã hoàn thành việc kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử. Việc sử dụng chứng thư số tổ chức, cá nhân để trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, giao dịch trên môi trường mạng giúp công khai, minh bạch và rút ngắn thời gian gửi, nhận, xử lý văn bản, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tạo ra một cách làm việc mới hiện đại, tiết kiệm chi phí hành chính.
Cán bộ phường Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương hướng dẫn các thủ tục kê khai cho người dân ở bộ phận một cửa. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)Tại Bắc Kạn, trong 10 tháng đầu năm 2019, có khoảng 1,2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống, tiết kiệm chi phí hành chính khoảng trên 6 tỷ đồng. Quảng Ninh có 2.093 chứng thư số của tổ chức và 4.540 chữ ký số cá nhân đã công bố và sử dụng trong giao dịch điện tử, kê khai thuế và bảo hiểm điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực kho bạc, gửi nhận văn bản điện tử, giúp tiết kiệm cho tỉnh hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, các địa phương đã và đang triển khai nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, Thông tư số 01/2018/TT-VPCP, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh hoạt động hiệu quả, cá nhân, tổ chức đến thực hiện thủ tục hành chính đều hài lòng và đánh giá cao thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính. Đơn cử, tại Quảng Ninh, tính từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã tiếp nhận 67.539 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 66.023 hồ sơ trước hạn và đúng hạn, còn lại là các hồ sơ đang trong hạn giải quyết; sử dụng thêm con dấu thứ 2 tại Trung tâm để giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc 5 tại chỗ “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay tại Trung tâm” để đảm bảo quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn khép kín ngay tại Trung tâm. 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công bố bằng chữ ký số lên trang dichvucong.quangninh.gov.vn, phục vụ nhu cầu tra cứu, cung cấp kết quả trực tuyến ở mọi nơi, mọi lúc. Các địa phương khẩn trương hoàn thiện Cổng Dịch vụ công Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ triển khai chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. 3/9 địa phương chưa ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử sửa đổi. Việc ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ (Điện Biên: mới thực hiện tại 10 cơ quan, đơn vị). Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến Văn phòng Chính phủ (từ ngày 12/3/2019 đến ngày 15/11/2019) của một số địa phương còn chưa cao (Lào Cai: 52,7%; Điện Biên: 62,8%, Tuyên Quang: 67,4%). Việc thành lập, kiện toàn tổ chức bộ phận Một cửa, thời hạn là quý 4/2018, tuy nhiên đến nay vẫn còn địa phương chưa hoàn thành. Một số địa phương chưa hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo yêu cầu; số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn rất thấp. Nhiều địa phương chưa triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo; các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính hầu hết chỉ cắt giảm thời gian thực hiện, chưa gắn với việc đổi mới quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Một số đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức, về công tác văn thư, về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử... Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng - cho biết tới đây Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ khai trương, giai đoạn đầu sẽ cung cấp 8 nhóm dịch vụ công. Dự kiến, tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện 8 nhóm dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Trên cơ sở đó, Tổ công tác đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh đảm bảo các chức năng theo quy định, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và sớm ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống này./.