1. Tên sáng kiến: Xây dựng và tổ chức thực hiện “Nghị quyết về đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”
2. Mô tả ngắn gọn các giải pháp cũ thường làm:
Năm 2016 trên địa bàn tỉnh tuyển sinh tuyển mới 14.750 người, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 11.430 người. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được thực hiện không đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cùng ngành nghề, giữa các địa phương với nhau; chưa có định mức cho các ngành nghề đào tạo chung các nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, định mức cho phí đào tạo mỗi cơ sở một khác; cơ chế xã hội hóa trong đào tạo chưa cụ thể, huy động đóng góp của người dân để đảm bảo kinh phí đào tạo thực hiện đào tạo nghề đảm bảo chất lượng chưa được chú trọng; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn Hà Tĩnh năm 2017 là 58,7%.
Để thực hiện mục tiêu 70% lao động qua đào tạo vào năm 2020; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đồng bộ, công khai, minh bạch đúng quy định; nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa tăng cường nguồn lực cho phát triển sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cần thiết phải thể chế hóa các chủ trương chính sách của trung ương áp dụng phù hợp với thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh.
3. Mục đích của các giải pháp sáng kiến:
Thể chế hóa toàn bộ chế độ chính sách về đào tạo nghề áp dụng phù hợp với thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; các cấp chính quyền tổ chức thực hiện chính sách thiết thực hiệu quả; mức chi phí đào tạo và mứ hỗ trợ kinh phí ban hành kèm theo Nghị quyết tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham gia đào tạo; các tổ chức doanh nghiệp và người dân có nhu cầu học nghề lựa chọn nghề và xác định được mức kinh phí đào tạo để thực hiện cơ chế xã hội hóa, huy động đóng góp kinh phí của người học, người sử dụng lao động đảm bảo chi phí đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động, nâng tỷ lệ đào tạo qua lao động lên 70% vào năm 2020.
4. Bản mô tả giải pháp sáng kiến:
4.1. Thuyết minh giải pháp mới, cải tiến
Từ trước đến năm 2016 chưa có bất kỳ Nghị quyết nào thể chế hóa các chủ trương chính sách của trung ương áp dụng trên địa bàn Hà Tĩnh, chưa có mức chi phí đào tạo của các nghề để làm cơ sở triển kahi tổ chức đào tạo và huy động nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; chưa có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020 và kế hoạch hàng năm để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70% vào năm 2020.
Xây dựng định mức chi phí đào tạo của 73 nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng thuộc 3 nhóm nghề: Nhóm nghề công nghiệp - xây dựng; nhóm nghề thương mại - dịch vụ; nhóm nghề nông - lâm - ngư nghiệp.
Mức hỗ trợ kinh phí cho từng đối tượng người học theo 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Trên cơ sở định mức chi phí đào tạo và định mức kinh phí hỗ trợ của nhà nước, để đảm bảo chất lượng đào tạo người dân hoặc doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện đóng góp phần còn thiếu của chi phí đào tạo so với mức hỗ trợ kinh phí của nhà nước. tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa trong tổ chức đào tạo nghề. Tạo sự công bằng cho tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi tham gia đào tạo nghề cho người lao động.
Xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo hàng năm và giai đoạn 2017-2020, cơ cấu tuyển sinh các nhóm ngành nghề để triển khai thực hiện đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; đồng thời xác định được mục tiêu đào tạo hàng năm để đến năm 2020 tỉnh ta đạt chỉ tiêu lao động qua đào tạo là 70% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
4.2. Thuyết minh về khả năng áp dụng sáng kiến
Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND đã được triển khai áp dụng có hiệu quả trong giai đoạn 2017-2020; là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh bố trí nguồn lực thực hiện hàng năm; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Nghị quyết và tình hình thực tế ở địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện mục tiêu đào tạo nghề cho người dân hàng năm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ định mức cho phí các ngành nghề đã ban hành để xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng; người học nghề căn cứ Nghị quyết để lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng bản thân và mức phí đào tạo, mức hỗ trợ theo quy định và đóng phần còn thiếu do kinh phí hỗ trợ nhỏ hơn mức phí đào tạo. Người dân không thuộc diện chính sách khi tham gia học nghề căn cứ định mức chi phí để đóng học phí tự học nghề. Doanh nghiệp sử dụng lao động căn cứ định mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ học phí để bố trí kinh phí đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết đã huy động từ người học, doanh nghiệp đã đóng góp với số kinh phí là 188.858 triệu đồng (chiếm 66,3% tổng kinh phí đào tạo), trong đó người học thuộc đối tượng chính sách đóng bù học phí ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo chất lượng đào tạo là 4.400 triệu đồng, người học không thuộc đối tượng chính sách đóng góp học phí 184.458 triệu đồng.
Đặc biệt đối với tỉnh Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển; công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển theo Quyết định số 12/QĐ-TTg đã được triển khai đồng bộ theo Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND, đến nay đã có 10.832 người được hỗ trợ đào tạo nghề, kinh phí thực hiện: 60.868 triệu đồng.
Với sự quan trọng của Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND, tại kỳ họp lần thứ 18 của HĐND tỉnh khóa XII, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu Nghị quyết “Tiếp tục thực hiện và sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND” thực hiện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, trong quá trình xây dựng Nghị quyết được các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người dân đồng tình, thống nhất cao; các ban HĐND đánh giá cao việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND.
4.3. Thuyết minh về lợi ích kinh tế, xã hội của sáng kiến
1. Hiệu quả kinh tế
Trong giai đoạn 2017-2020, từ nguồn kinh phí thực hiện nội dung Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các nguồn huy động khác hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân là: 64.221 người với số kinh phí là: 284.801 triệu đồng. Cụ thể:
- Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của UBND huyện theo nguồn kinh phí CTMTQG là: 9.283 người; kinh phí thực hiện là: 24.700 triệu đồng;
- Đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển theo Quyết định 12 là: 10.832 người, kinh phí thực hiện là: 60.868 triệu đồng;
- Đào tạo cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự: 737 người; kinh phí thực hiện là: 10.848 triệu đồng;
- Người dân tự đóng góp kinh phí học nghề: 42.090 người, kinh phí 184.458 triệu đồng.
Hàng năm UBND các huyện, thành phố, thị xã đã lồng ghép các nguồn lực địa phương, của các chương trình, dự án (Dự án GPRS, Dự án trồng rừng, chương trình đào tạo của Hội nông dân…) để tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động với số kinh phí là 14.775 triệu đồng.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, người học, doanh nghiệp sử dụng lao động đã thực hiện đóng góp học phí đảm bảo mức chi phí đào tạo. Căn cứ mức chi phí đào tạo ban hành kèm theo danh mục ngành nghề đào tạo theo Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND người học nghề doanh nghiệp sử dụng lao động đã đóng góp phần kinh phí chênh lệch giữa chi phí đào tạo với mức hỗ trợ của nhà nước theo từng đối tượng. Trong 4 năm thực hiện Nghị quyết đã huy động từ người học, doanh nghiệp đã đóng góp với số kinh phí là 188.858 triệu đồng, trong đó người học thuộc đối tượng chính sách đóng bù học phí ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo chất lượng đào tạo là 4.400 triệu đồng, người học không thuộc đối tượng chính sách đóng góp học phí 184.458 triệu đồng. (Có báo cáo gửi kèm)
2. Về chính trị xã hội
Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND đã thể chế hóa toàn bộ chính sách của nhà nước về đào tạo nghề, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận chính sách hỗ trợ học nghề và tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống; góp phần quan trọng nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 53% (năm 2015) lên 70% (năm 2020) (hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII và vượt 5% so với chỉ tiêu bình quân chung cả nước); năng suất lao động của người học nghề tăng 18%; cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh, giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp từ 55,5% năm 2015 xuống còn 44% năm 2020. Đời sống xã hội của người dân ngày càng được nâng cao về kinh tế và văn hóa, góp phần ổn định chính trị xã hội và hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế xã hội khác tại địa phương.
Nâng cao nhận thức của người dân về học nghề; thay đổi tư duy từ bị động, ỷ lại nguồn hỗ trợ kinh phí từ nhà nước sang học nghề theo nhu cầu cá nhân, đóng góp bổ sung kinh phí để đảm bảo chi phí đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ưng nhu cầu thị trường lao động; đào tạo gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
4.4. Các tài liệu khác gửi kèm theo:
Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnhvề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 2707/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND.
Báo cáo số 218/BC-SLĐTBXH ngày 24/11/2020 về Kết quả thực hiện Nghị quyết 56/2017/NQ của Hội đồng nhân dân tỉnhQuyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.
Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài Chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ.
Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.
4.5. Cam kết không sao chép hoặc vi phạm bản quyền: Sáng kiến này do chính tác giả xây dựng có sự trợ giúp của các cộng sự; không sao chép bất kỳ sáng kiến của tổ chức cá nhân khác; không trùng lặp với bất kỳ công trình nghiên cứu nào đã công bố. Tác giả cam kết không vi phạm bất kỳ bản quyền của tác giả nào./.